Tiểu sử Nguyễn_Văn_Thương_(quân_nhân)

Nguyễn Văn Thương sinh ra và lớn lên tại xã Lộc Hưng, Trảng Bàng, Tây Ninh trong một gia đình cách mạng. Mới 3 tháng tuổi, ông đã được gửi cho một người cô nuôi dưỡng để ba mẹ đi hoạt động cách mạng. Năm lên 8 tuổi, ông nhận được tin mẹ bị bắt, đày đi Côn Đảo rồi hy sinh. Năm 1959, cha ông hy sinh trong một lần hoạt động quân báo.

Tháng 5 năm 1959 Nguyễn Văn Thương quyết định tham gia cách mạng. Năm 1961, ông được chuyển về đơn vị trinh sát và làm bảo vệ cho ông Võ Văn Kiệt (lúc đó là Bí thư thành ủy T4 Sài Gòn – Gia Định). Sau đó, Nguyễn Văn Thương được chuyển sang hoạt động trong ngành tình báo, dưới sự huấn luyện trực tiếp của Mười Nho (đại tá Nguyễn Nho Quý, Trưởng ban tình báo khu Sài Gòn – Chợ Lớn) [1].

Trong 10 năm hoạt động chiến đấu từ năm 1959 đến tháng 2.1969 Nguyễn Văn Thương được giao nhiệm vụ giao liên tình báo ở khu vực Bắc Sài Gòn (Sài GònBến CátBình Dương) đây là thời điểm khó khăn, bởi quân đội Mỹ và Việt Nam Cộng hoà luôn tỏ ra thận trọng thường xuyên kiểm soát gắt gao trên tuyến hành lang xung yếu này. Nguyễn Văn Thương đã vượt qua khó khăn, gian khổ,và nguy hiểm, thực hiện hàng nghìn lần chuyển nhận chỉ thị, tài liệu và đưa đón hàng trăm cán bộ từ ngoài căn cứ vào trong Sài Gòn và từ Sài Gòn ra căn cứ an toàn.

Ngày 10/2/1969, trong lần trên đường mang tài liệu từ Sài Gòn ra vùng căn cứ, Nguyễn Văn Thương bị máy bay Mỹ phát hiện, hạ thấp định bắt sống. Ông đã chủ động dùng súng AK bắn rơi một máy bay lên thẳng, diệt 3 tên Mỹ. Quân đội Mỹ phải huy động một lực lượng lớn gồm 72 chiếc trực thăng, mỗi chiếc là một tiểu đội, nguyên trung đoàn 48 và sư đoàn 5 lính Việt Nam Cộng Hòa mới bắt được ông, nhưng ông đã cất giấu tài liệu kỹ trước khi bị bắt.

Sau nhiều lần mua chuộc không thành, quân đội Mỹ đã đưa Nguyễn Văn Thương ra đập nát hai bàn chân. Sau đó chỉ trong 3 tháng, họ 6 lần cưa 6 đoạn chân của ông.

Hơn 4 năm trong các nhà tù Nguyễn Văn Thương bị tra tấn đủ mọi cực hình nhưng vẫn một mực trung kiên, giữ vững khí tiết. Khi ở trại giam đảo Phú Quốc ông vẫn tiếp tục đấu tranh, tham gia trong cấp uỷ nhà tù. Tấm gương bất khuất, kiên cường của ông đã cổ vũ đồng chí, đồng đội trong nhà tù tích cực hăng hái đấu tranh.

Năm 1973, sau Hiệp định Paris, Nguyễn Văn Thương mới được trở về đoàn tụ với gia đình

Sau khi ra tù, ông vẫn tiếp tục với cuộc sống đầy lạc quan, tích cực rèn luyện, học tập. Sống giản dị, khiêm tốn được đồng đội, bạn bè kính phục [2].

Ngày 13 tháng 8 năm 2018, ông qua đời tại nhà riêng, hưởng thọ 80 tuổi. Mộ phần của ông được đặt tại Hoa viên nghĩa trang Bình Dương.[3][4][5]